CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RA MỤN

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RA MỤN 

Bài viết Kỳ 1 – Tháng 6 lần này Pevonia.vn  muốn đề cập đến một vấn đề da khác cũng nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người và đặc biệt là các bạn trẻ ở tuổi dậy thì. Đó chính là mụn!

Mụn trứng cá là bệnh da liễu rất phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc bệnh này, đặc trưng của nó là tình trạng viêm khu trú vùng nang lông – tuyến bã nhờn. Cơ chế sinh bệnh đuợc xác định cho đến thời điểm hiện nay là do: sự tăng tiết bã nhờn, sự sừng hóa (keratin hóa) bất thường của phễu nang lông, sự liên quan của trực khuẩn kị khí gram dương Propionibacterium acnes, và các loại phản ứng viêm. Trong đó sự tăng tiết bã nhờn được coi là điều kiện cần của mụn trứng cá, còn phản ứng viêm được xem là yếu tố then chốt.

Tăng tiết chất bã

Bình thường chất bã được nang lông tuyến bã tiết ra làm da, lông, tóc ẩm, mềm mại, mượt mà. Trong trứng cá, do nội tiết tố androgen của cơ thể, đặc biệt là testosteron tiết ra nhiều sẽ gắn vào các thụ thể đặc hiệu có trên bề mặt các tế bào tuyến bã, kích thích tuyến bã phát triển, giãn rộng làm tăng bài tiết chất bã.

Sừng hóa cổ nang lông

Bình thường các tế bào của tuyến bã và cổ nang lông khi chết sẽ được đào thải ra ngoài qua cổ nang lông. Trong trứng cá, các tế bào này không được đào thải sẽ gây bít tắc cổ nang lông làm chất nhờn tích tụ lại và làm phình tuyến bã

Sự gia tăng hoạt động của Vi khuẩn Propionibacterium anes (P.aces)

P.acnes hiện diện rất nhiều trên da của bệnh nhân trứng cá. Các vi khuẩn này sẽ chuyển hóa các acid béo tự do có trong tế bào và chất nhờn bị tích tụ làm viêm tấy nang lông và cổ nang lông tạo nên mụn trứng cá dạng sẩn, mụn mủ, cục và nang.

mun 2

Một số yếu tố khác liên quan đến hình thành mụn trứng cá

Tuổi: 90% trường hợp ở lứa tuổi 13-19 (tuổi dậy thì), sau đó bệnh giảm dần. Nhưng trứng cá có thể bắt đầu ở tuổi 20-30 hoặc thậm chí muộn hơn ở tuổi 50-59 (trung niên).

Giới: Nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ nữ/nam ≈2/1, nhưng bệnh ở nam giới thường nặng hơn nữ

Yếu tố gia đình: 50% bệnh nhân có tiền sử gia đình

Yếu tố thời tiết, chủng tộc: khí hậu nóng ẩm, khô hanh liên quan đến bệnh trứng cá, người da trắng và da vàng bị trứng cá nhiều hơn người da đen.

Yếu tố nghề nghiệp: Khi tiếp xúc với dầu mỡ, với ánh nắng nhiều….làm tăng khả năng bị bệnh

Yếu tố stress: có thể gây nên bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh trứng cá

Chế độ ăn: một số thức ăn có thể làm tăng nặng bệnh trứng cá như sôcôla, đường, bơ, cà phê… và 1 số thức ăn liên quan đến dầu mỡ và đường.

Các bệnh nội tiết: một số bệnh Cushing, bệnh đường giáp trạng, bệnh buồng trứng đa nang….làm tăng trứng cá.

Thuốc: Một số thuốc làm tăng trứng cá như corticoid, nhóm halogen…

Một số nguyên nhân tại chỗ: vệ sinh da mặt, chà xát, nặn bóp không đúng phương pháp, lạm dụng mỹ phẩm và chất hóa học.

Biểu hiện của bệnh là nhiều loại tổn thương khác nhau như: nhân mụn (comedon), sẩn, mụn mủ, cục, nang… khu trú ở các vị trí tiết nhiều chất nhờn như mặt, lưng, ngực. Để thuận lợi cho công tác điều trị, bác sĩ lâm sàng thường chia tổn thương thành hai loại, đó là tổn thương viêm (mụn bọc, mụn mủ) và tổn thương không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen). Cần lưu ý đến tính chất đa dạng trong tổn thương mụn trứng cá để phân biệt với phát ban trứng cá (có thể xuất hiện ở vị trí ngoài vùng tiết bã).

mun

Tuy mụn trứng cá thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, bệnh có xu hướng tồn tại dai dẳng, hay tái phát, với biến chứng thường gặp là sẹo lõm, hoặc sẹo lồi, gây mất thẩm mỹ, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thông thường có sự liên hệ khá rõ ràng giữa bệnh lý mụn trứng cá và xu hướng trầm cảm, đặc biệt là ở người trẻ. Để hiểu rõ hơn cách phòng tránh mụn trứng cá bạn cần phải biết những kiến thức căn bản để bảo vệ làn da mình, vấn đề đó sẽ được nhắc đến cho bài viết kỳ sau của Pevonia.vn

 

Chào mừng bạn ghé thăm website!

Đăng ký để nhận các bài viết mới nhất của chúng tôi qua email!